Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, phương thức…

4 Kỹ thuật giúp bạn luôn luôn suy nghĩ tích cực để làm việc với 200% hiệu suất
Áp lực thời kỳ chống dịch Covid luôn là gánh nặng trên vai của bất cứ ai, ngay cả với các bạn sinh viên
Các kỹ thuật NLP (Neuro Linguistic Programming – Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) sẽ giúp bạn thay đổi hành vi, đạt được kết quả trong cuộc sống tốt đẹp hơn và có được nhiều kinh nghiệm sống tích cực hơn.
1. Chuyển khung ngữ cảnh
Kỹ thuật NLP này cực kỳ hiệu quả khi bạn gặp phải hoàn cảnh mà bạn cảm thấy thực sự bất lực, bực tức hay có điều gì đó rất tiêu cực xảy đến với bạn. Nó sẽ giúp bạn thay đổi ý nghĩa của hoàn cảnh này và bạn sẽ nghĩ về nó theo một chiều hướng khác, tích cực hơn và mạnh mẽ hơn. Nói các khác, nó giúp bạn đưa nội dung của hoàn cảnh này sang một khung hoàn cảnh khác.
Hãy lấy ví dụ khi bạn mất công việc tốt ở công ty mà bạn đã làm việc nhiều năm. Điều này rõ ràng là cực kỳ tồi tệ. Bạn sẽ làm gì? Nện cho ông sếp một trận? Hay là suy nghĩ nhiều dẫn đến trầm cảm suy nhược cơ thể? Hay là tự tử cho xong? Hãy dừng những suy nghĩ tiêu cực ngay. Thay vào đó, bạn hãy đón nhận nó và nhìn nó ở những khía cạnh khác. Bạn có thể dịch chuyển khung hình hoàn cảnh để đưa tâm trí bạn sang trạng thái tích cực. Hãy nghĩ, ừ thì bạn bị mất việc, nhưng mặt tốt của nó là gì? Hãy nghĩ đến những điều sau và neo giữ cảm xúc đó trong bạn:
– Có một khoảng thời gian nghỉ ngơi.
– Đón nhận những công việc khác tốt hơn.
– Có thể khám phá thêm nhiều lĩnh vực công việc khác mà nếu ở vị trí trong công ty cũ bạn không học hỏi được nhiều nữa.
– Có động lực phát triển kỹ năng làm việc chuyên môn tốt hơn.
– Trải nghiệm này sẽ khiến bạn trở thành một người mạnh mẽ can đảm hơn.
Như vậy, bạn đã thay đổi góc nhìn về hoàn cảnh này sang tư duy hoàn toàn tích cực và không tập trung vào những khía cạnh tồi tệ. Điều này giúp mọi người thoát khỏi hoàn cảnh xấu với những lối tư duy tiêu cực.
2. Neo cảm xúc
Neo cảm xúc là điều hay được dùng nhất ở trong NLP để khơi gợi những phản ứng cảm xúc về điều gì đó bạn đã nói hay đã làm.
Theo bản năng con người luôn tự neo giữ cảm xúc một cách tự nhiên. Khi bạn xem bóng đá, sau khi ghi bàn vào lưới đội bạn, niềm vui của cầu thủ đó tăng lên gấp bội, theo bản năng, cầu thủ đó sẽ giơ tay lên nắm chặt tay lại, giật xuống để neo cảm xúc đó. Bạn chắc chắn cũng đã làm như vậy nhiều lần trong đời mỗi khi bạn thành công điều gì đó.
Neo là nói đến cái mỏ neo của con tàu, khi hạ thủy đâu đó, ta phải thả neo để giữ con tàu đứng yên một chỗ không bị sóng đánh dạt đi. Cảm xúc tốt cũng cần neo lại để khi lâm vào hoàn cảnh xấu, bạn có thể kích hoạt cảm xúc tốt đẩy lùi cái tiêu cực đi và đưa tâm trí của bạn trở lại trạng thái cân bằng và tích cực.
Neo cảm xúc bằng cách nào? Bạn phải lặp đi lặp lại hành động neo nhiều lần để tạo mối liên hệ giữa neo NLP và cảm xúc sẽ thiết lập có điều kiện. Lấy ví dụ mỗi khi bạn phấn khích vui vẻ bạn nắm bàn tay trái lại. Sau khi thành phản xạ có điều kiện, mỗi khi bạn nắm chặt bàn tay trái bạn lại cảm thấy vui vẻ hạnh phúc.
Một số bước kích hoạt neo cảm xúc vui vẻ hạnh phúc:
– Hãy nghĩ đến một trải nghiệm trong cuộc sống của bạn mà bạn cảm thấy hạnh phúc. Hãy nghĩ đến những người thân đang ca ngợi bạn, mỉm cười với bạn.
– Bạn có thể nhắm mắt, ngồi thẳng, tự mỉm cười, hoặc thư giãn cơ thể và nghe nhạc vui vẻ. Hãy tưởng tượng có một vòng tròn lóe sáng dưới mặt đất và bạn bước chân vào đó.
– Khi bạn đạt trạng thái hạnh phúc đến cực điểm hãy nắm bàn tay trái thật chặt. Sau đó mở ra và lặp lại nắm bàn tay vài lần khi còn đang trong trạng thái hạnh phúc.
– Giờ bạn bước chân ra khỏi vòng tròn này, nghĩ đến điều gì khác ngoài cảm xúc vừa rồi.
– Sau đó vài phút, bạn bước trở lại vòng tròn đó và lặp lại quy trình neo một lần nữa. Bạn cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo thành neo cảm xúc tốt có điều kiện trong bạn.
3. Phân tưởng
Phân tưởng là chúng ta nghĩ về một tình huống như nhìn vào một cái tivi, nhưng bạn hoàn toàn đứng ngoài khung hình và bạn quan sát chính bạn đang giải quyết vấn đề bên trong bộ phim mà bạn đang tưởng tượng đó.
Con người thường rất dễ phản ứng lại với những điều tiêu cực và bị stress hay đau buồn về điều đó. Ví dụ, nếu một người bạn làm bạn bực phát điên lên và bạn phản ứng một cách giận dữ, khi đó phân tưởng sẽ giúp bạn trung hòa những cảm giác tiêu cực. Thậm chí nó có thể giúp thoát khỏi nỗi sợ hãi, bởi vì nó giúp nhìn vào hoàn cảnh một cách khách quan. Phân tưởng giúp bạn thoát khỏi những ký ức và những trải nghiệm xấu. Và để làm điều đó, bạn chỉ cần nghĩ lại và chỉ tập trung vào những cảm xúc tốt về trải nghiệm đó thôi.
Hãy làm từng bước dưới đây:
– Xác định cảm xúc bạn muốn vứt bỏ khỏi tâm trí bạn, ví dụ sợ con rắn, hay cảm giác khó chịu về một ai đó, hay một nơi nào đó mà bạn không thích.
– Bạn nhìn thấy chính bạn bước vào hoàn cảnh đó từ đầu tới cuối, với tư cách là người quan sát.
– Tua ngược lại những ký ức đó trong tâm trí như một bộ phim, sau đó tua nhanh về phía trước và rồi lại tua ngược lại.
– Khi tua ngược lại bạn thêm một chút âm nhạc vui vào bộ phim trong tâm trí. Làm như vậy 3-4 lần.
– Bây giờ bạn xem lại trong tâm trí của bạn về sự kiện này như là nó đang xảy ra với bạn. Cảm xúc kích động lúc này đã biến mất hoặc đã thay đổi. Nếu bạn vẫn có có chút cảm xúc tiêu cực nào, hãy lặp lại các bước 1,2,3,4 cho đến khi nó biến mất hoàn toàn.
4. Thay đổi niềm tin
Niềm tin là một bộ lọc thông tin chỉ lối cho mọi hành động của con người. Nếu niềm tin đó là một niềm tin tích cực, thì bạn sẽ có thể làm được vô vàn điều mà người khác cho là không tưởng. Nhưng nếu nó là niềm tin tiêu cực thì bạn sẽ bị hạn chế về năng lực và dần dần mất đi khả năng, mất đi ý chí, luôn cảm thấy bản thân mình thật kém cỏi, thật tồi tệ và bạn tự hủy hoại bản thân mình.
Ví dụ về niềm tin tích cực: Những người từng bị đánh giá là ngu dốt, từng bị đuổi khỏi trường lại trở thành thiên tài nổi tiếng – Thomas Edison, Adam Khoo, Albert Einstein… Xuất thân từ nhà nghèo, và chịu nhiều thất bại lại thành doanh nhân thành đạt – Steve Jobs, J.K.Rowling, Richard Branson…
Ví dụ về niềm tin tiêu cực: Nhiều đứa trẻ từ nhỏ đã bị cài vô thức vào đầu những câu từ rất tiêu cực như “con thật là ngu dốt”, “con chẳng làm được gì nên hồn cả”, “con thật là hậu đậu”… Đó chính là những niềm tin làm hủy hoại đi năng lực của con người, vô tình làm hại họ sau này.
Những niềm tin này hình thành từ những trải nghiệm. Nếu bạn có một trải nghiệm tiêu cực và bạn cứ vấn vương những điều đó, thì bạn sẽ bắt đầu hấp dẫn những trải nghiệm tương tự và dần dần bạn sẽ khẳng định rằng hoàn cảnh đó là đúng.
Nhưng nếu bạn dùng một trong những kỹ thuật NLP xóa bỏ trải nghiệm xấu đó ngay từ đầu, trước khi hình thành niềm tin thì bạn sẽ không có niềm tin xấu đó trong tâm trí bạn.
Trên đời này, chẳng có hoàn cảnh nào xấu mà cũng chẳng tốt, chỉ có ý nghĩ của chúng ta gán cho nó một cái mác là như vậy. Vì vậy một khi bạn tập trung nghĩ về khía cạnh xấu về hoàn cảnh xảy đến với bạn, thì bạn đã bắt đầu tạo nên một niềm tin xấu, và đó sẽ là nguyên nhân thu hút những trải nghiệm khác khẳng định thêm về niềm tin đó.
Một trong những biện pháp thoát khỏi niềm tin tiêu cực đó là Tự kỷ ám thị. Khi đó bạn cần phải nghĩ về một hoàn cảnh xấu theo hướng tích cực thay vì chỉ nhìn vào vấn đề xấu của nó. Sau đó bạn cần phải giải quyết những điều xấu và đặt câu hỏi liệu những điều đó thực sự có đúng hay không.
Ví dụ bạn bị người yêu bỏ, bạn hãy nghĩ rằng từ nay bạn tự do chọn lựa người yêu mới, dựa trên kinh nghiệm bạn đã có với người yêu cũ, bạn sẽ tìm được người yêu hoàn hảo phù hợp hơn cho cuộc đời của bạn.
Nếu làm đúng, 4 kỹ thuật NLP này có thể hoàn toàn thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Bạn chỉ cần bỏ ra vài phút mỗi ngày thực hiện một trong số chúng cũng rất đáng giá. Khi bạn nhận thấy kết quả, bạn sẽ cảm thấy vui hơn khi áp dụng chúng vào nhu cầu phát triển bản thân trong cuộc sống của bạn
Nguồn: Lý Thu Hà Master NLP